|Page experience|cta|Social proof bao chung xa hoi|mobile friendly|

18 cách tăng tỉ lệ chuyển đổi cho website

Tăng tỉ lệ chuyển đổi cho website là một “ước mơ” chưa bao giờ ngừng lại của những người làm Marketing cũng như chủ doanh nghiệp. Wesbite không chỉ đơn giản là một sản phẩm kỹ thuật, mà còn là một nền tảng Digital Marketing quan trọng của doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của website sẽ được đánh giá dựa vào các khách hàng tiềm năng mà chúng mang lại, cũng như tăng hiệu quả cho các hoạt động quảng bá thương hiệu. Việc tăng được tỉ lệ chuyển đổi cho website sẽ làm giảm chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng (Cost per Lead) cũng như chi phí khách hàng mới (Cost per Acquisition).

Trong thực tế, website có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, và người dùng có hàng rất nhiều cách tương tác với một website. Những điều đó khiến chúng ta có quá nhiều thông tin để có thể ra quyết định nên làm gì để website mang lại chuyển đổi tốt hơn. May mắn là chúng cũng có một số phương pháp chung, đơn giản nhưng hiệu quả để giúp website trở thành một kênh Digital Marketing chuyển đổi thật sự. Trong bài viết này, TADA sẽ gợi ý 18 cách để tăng tỉ lệ chuyển đổi cho website của bạn.

Tỉ lệ chuyển đổi website là gì?

Website không chỉ là một sản phẩm kỹ thuật, mà còn là một nền tảng Digital Marketing rất quan trọng trong kinh doanh. Để đánh giá một website có hiệu quả marketing hay không, chúng ta phải tính toán được tỉ lệ chuyển đổi mà nó mang lại. Đó có thể là:

  • Mang lại được bao nhiêu người đọc trang web chất lượng (ví dụ time on site hơn 1 phút, bounce rate dưới 50%).
  • Mang lại được bao nhiêu lead (với website dịch vụ).
  • Mang lại được bao nhiêu khách hàng (với website ecommerce).

Công thức tính toán thông thường sẽ là: Tỉ lệ chuyển đổi = Chuyển đổi / Lượt truy cập (CR = Conversion / Traffic).

tỉ lệ chuyển đổi

1. Theo dõi cách người đọc tương tác với website

Một trong những điều đầu tiên bạn nên làm là hiểu khách hàng của mình. Có nhiều công cụ để bạn theo dõi cách người đọc website, và TADA khuyến nghị bạn sử dụng Google Analytics. Đây là công cụ đơn giản, miễn phí nhưng rất hiệu quả. Một số điểm quan trọng bạn cần theo dõi người đọc thông qua Google Analytics:

  • Số lượng truy cập vào website theo ngày, tháng, các khung giờ.
  • Số lượng trang trung bình cho mỗi phiên truy cập.
  • Thời gian xem website (time on site).
  • Tỉ lệ thoát khỏi website ngay trang đầu tiên (bounce rate).
  • Nguồn truy cập
  • Các trang có lượng truy cập tốt
  • Thời gian xem mỗi trang
  • Tỉ lệ thoát của các trang
  • Tỉ lệ chuyển đổi của từng trang (nếu có)

Cao cấp hơn, bạn có thể sử dụng heatmap để theo dõi kỹ hành vi của người đọc. TADA cũng có hướng dẫn chi tiết Heat map là gì? Tối đa hiệu quả website bằng Heat map.

2. Nội dung đáp ứng các kỳ vọng của người đọc

Một khi người dùng đã thấy và đọc nội dung trên website, họ sẽ có một kỳ vọng về việc được cung cấp đủ thông tin cho vấn đề họ đang gặp phải. Do đó, nội dung của trang cần phải được thống nhất và hoàn chỉnh từ bên ngoài vào trong.

TADA gợi ý một số điểm mà bạn cần lưu ý để nội dung đáp ứng kỳ vọng của người đọc:

  • Đảm bảo đủ 5W1H (What – Why – How – Where – When – Who). Nếu thiếu, rất có thể người đọc phải đi tìm một trang web khác để lấy thông tin, và từ đó sẽ làm giảm tỉ lệ chuyển đổi trên website bạn.
  • Nếu người dùng đến từ SEO, hãy đảm bảo nội dung title, meta description, featured image truyền tải tốt chủ đề bài viết, giúp tăng CTR.
  • Nếu người dùng đến từ Ads, hãy đảm bảo các mẫu quảng cáo relavant với nội dung bài viết. Điều này cũng giúp tăng điểm chất lượng và giảm CPC.
  • Nếu người dùng đến từ Social, hãy đảm bảo featured image ấn tượng và hấp dẫn, cùng với tiêu đề và mô tả truyền đạt được thông điệp.
  • Nên có CTA ở các bài viết để hướng dẫn người đọc nên làm gì tiếp theo (đọc 1 bài khác tương tự, hay để lại thông tin, hay liên hệ để được nhận ưu đãi…)

Bạn có thể xem thêm bài viết Hướng dẫn Viết nội dung website hấp dẫn người đọc để có chất lượng bài viết tốt nhất.

3. Làm form ngắn nhất có thể

Một trong những lý do khiến website của bạn có tỉ lệ chuyển đổi thấp là form đăng ký có nhiều trường thông tin, khiến người dùng cảm thấy bị lấy nhiều thông tin, tốn công thực hiện. Do đó, bạn cần phải cân nhắc lựa chọn những thông tin quan trọng nhất, còn lại bạn có thể lấy tiếp trong quá trình tư vấn hoặc sử dụng phương pháp continous profiling.

4. CTA có thông điệp mạnh

CTA (Call to Action) là những lời kêu gọi người đọc ra hành động để tạo ra chuyển đổi. Hành động đó có thể là đăng ký nhận ưu đãi, chia sẻ một bài viết, đăng ký nhận tin, đăng ký nhận báo giá…

Các CTA được thiết kế tốt kèm thông điệp mạnh mẽ sẽ giúp người đọc dễ dàng ra quyết định tốt hơn, từ đó tăng tỉ lệ chuyển đổi cho website của bạn.

Một số gợi ý trong việc làm CTA tốt:

  • Tạo sự nổi bật bằng màu sắc, hiệu ứng.
  • Dùng những từ mạnh mẽ để thôi thúc hành động. Ví dụ “Chỉ còn 30 phút để nhận ưu đãi”.
  • Giảm sự e ngại của người đọc, ví dụ cam kết không bán thông tin, không thu phí, bảo hành…
  • Có 3 vị trí cần có CTA: mở đầu trang, ở giữa, cuối trang.
  • Giá trị nhận được cảm giác lớn hơn công sức phải bỏ ra

cta

5. Test nhiều offer khác nhau

Một trong những lý do lớn nhất để người đọc để lại thông tin cho bạn trên website, đó là quyền lợi. Khi có nhu cầu cùng quyền lợi đủ lớn, người đọc sẽ trao đổi công sức và thông tin cá nhân để nhận được. Đó là cách chúng ta tạo ra chuyển đổi.

Tuy nhiên, để biết được chính xác người đọc mong muốn nhận được giá trị gì. Chúng ta cần phải thử nghiệm nhiều ưu đãi khác nhau. Đó có thể là:

  • Một mã giảm giá dành cho khách hàng mới.
  • Sử dụng thử sản phẩm, dịch vụ.
  • Quà tặng
  • Các giá trị kiến thức (ebook, hội thảo, tư vấn miễn phí…)

Có thể mỗi đối tượng khách hàng khác nhau sẽ quan tâm đến một loại ưu đãi khác nhau. Bạn có thể tách riêng landing page cho mỗi đối tượng này, hoặc cho khách hàng lựa chọn khi điền form. Sau đó bạn có thể đổ traffic vào các trang và đo lường tỉ lệ chuyển đổi của từng loại ưu đãi. Sau một thời gian, kết hợp với kết quả từ phòng kinh doanh, bạn sẽ biết được những loại ưu đãi nào là tốt nhất.

6. Nhấn mạnh các định vị giá trị

Trong toàn bộ website, và quan trọng hơn là trong từng landing page, bạn cần phải giao tiếp với người đọc một cách rõ ràng, thấu hiểu. Để làm tốt điều này, bạn cần hiểu rõ “buyer persona”, ví dụ như mục tiêu của họ, động lực của họ, nỗi đau của họ, các rào cản họ đang cố gắng vượt qua…

Khi đã thấu hiểu được khách hàng, nội dung và hình ảnh trong các landing page phải tập trung giải quyết các vấn đề của họ, giúp họ đạt được cac mục tiêu thông qua giá trị từ sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mình. Khi các quyền lợi trở nên rõ ràng và thỏa mãn, người đọc sẽ dễ dàng đi tiếp với bạn hơn rất nhiều.

7. Tăng các lý do thuyết phục khách hàng

Khách hàng sẽ không hành động nếu họ không tin tưởng vào thương hiệu của bạn, hoặc họ cảm thấy quy trình quá phức tạp. Cần phải có đủ các lý do để người đọc an tâm trên hành trình trở thành khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.

Vậy làm sao để tăng được sư tin tưởng?

TADA gợi ý một số thủ thuật mà bạn có thể sử dụng:

  • Đảm bảo hoàn tiền, các chế độ bảo hành.
  • Bổ sung các bào chứng nhận, các case study thành công.
  • Dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng.

8. Thêm các bảo chứng xã hội

Một nghiên cứu của Agency8 cho thấy 89% người tiêu dùng tìm & đọc các đánh giá trước khi mua hàng. Trong một nghiên cứu khác, 49% người dùng sử dụng các đánh giá tích cực là một trong ba tiêu chí khi chọn mua các sản phẩm. Chỉ cần quan sát chúng ta cũng tháy là nếu danh tiếng và uy tín của bạn cao sẽ làm tăng tỉ lệ chuyển đổi lên cao. Đó là lý do bạn cần xây dựng các bảo chứng xã hội trong website và các bài viết của mình.

Ví dụ, bạn có thể đưa các đánh giá của người dùng trên Facebook, Instagram vào phần đánh giá của khách hàng (Testimonial). Hãy trình bày rõ ràng các trải nghiệm tích cực của người dùng trước để tạo sự an tâm và kích thích người đọc, từ đó giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Social proof bao chung xa hoi

9. Đơn giản hóa quy trình đăng ký & mua hàng

Hãy luôn đảm bảo quy trình trở thành khách hàng tiềm năng là đơn giản nhất có thể. Đừng thử thách sự thông minh của người dùng 🙂 Hãy làm sao để họ không cần quá nhiều suy nghĩ và không cần quá nhiều thời gian cũng có thể hoàn thành được quy trình.

Cung cấp cho khách hàng một vài lựa chọn phù hợp trên hành trình mua hàng, ví dụ như phương thức thanh toán (COD, Thẻ ngân hàng, Visa/Master, MoMo, Zalo Pay…) và phương thức nhận hàng.

Đừng khiến khách hàng có cảm giác nghi ngờ. Đảm bảo cho khách hàng thấy bạn minh bạch các thông tin, khách hàng không cần phải tính toán gì thêm.

10. Làm A/B Testing để tăng tỉ lệ chuyển đổi

Trong thực tế, dù bạn đang giả định rất nhiều phương án để cải thiện hiệu quả của website, nhưng sẽ rất khó biết được chính xác điều gì sẽ mang lại kết quả tốt và điều gì không. Do đó, bạn cần phải liên tục làm A/B Testing để kiểm tra.

Các tiêu chí thường được test là: Tiêu đề, màu sắc, sắc thái câu chữ, layout, loại CTA, vị trí CTA… Bạn có thể tạo nhiều phiên bản khác nhau để chạy song song, hoặc chia giai đoạn ra test để biết được đâu là phiên bản tốt nhất cho người đọc.

11. Kết hợp nhiều định dạng hiển thị ấn tượng trong website

Để gây ấn tượng tốt, kích thích người đọc cũng như cung cấp được nhiều loại thông tin khác nhau, bạn nên sử dụng nhiều kiểu định dạng khác nhau trong website. Một số loại định dạng mà TADA có gợi ý cho bạn:

  • Với các quy trình, bạn nên sử dụng inforgraphic hoặc các bullet point rõ ràng.
  • Với testimonial, bạn có thể kết hợp text ngắn + video.
  • Với các nội dung kết quả, bạn nên dùng hình ảnh định dạng before/after.
  • Với những nội dung cần xây dựng sự tin tưởng, hãy sử dụng hình ảnh/video thật.
  • Với những nội dung liên quan đến số liệu, bạn nên sử dụng chart hoặc bảng biểu được trình bày dễ nhìn.

Và dù ở định dạng nào, hãy hướng đến việc hướng dẫn người dùng tương tác với CTA để trở thành khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.

12. Sáng tạo hơn, chuyển đổi tốt hơn

Bất khi khi nào, bạn cũng có thể “sáng tạo hơn 1 chút” nhằm gây ấn tượng với người đọc. Đó có thể là một hình ảnh thiết kế banner tương đối phá cách, một câu copy ấn tượng mà bạn chưa từng dùng bao giờ, hoặc một layout lạ để kích thích sự tò mò của người đọc.

Khi bạn sáng tạo, nên kết hợp với A/B Testing để đảm bảo các ý tưởng mới tạo ra các chuyển đổi tốt, hoặc ít nhất cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả hiện tại.

13. Hạn chế các yếu tố làm khách hàng phân tâm

Ở các trang Landing Page, TADA khuyến khích bạn hạn chết các liên kết ra khỏi trang, hoặc các hình ảnh, thông tin khiến người đọc phân tâm khỏi việc tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ và rời khỏi việc tương tác với CTA. Trong trường hợp cần thiết, một số website TADA đã thiết kế riêng header, footer cho Landing Page với không gian hiển thị tối thiểu.

Hạn chế tối đa người đọc tò mò click lung tung và rời khỏi trang sang một nội dung khác có tính chuyển đổi thấp hơn.

Ngoài ra, còn 1 sai lầm thường gặp khác. Dưới góc độ của người làm kinh doanh và hiểu rất rõ sản phẩm, dịch vụ của mình, bạn dễ mắc sai lầm là đưa quá nhiều thông tin hoặc trình bày quá phức tạp khiến người đọc không thể hiểu điều bạn muốn trình bày. Bạn nên lựa chọn những thông tin quan trọng nhất để giao tiếp với người đọc, còn những thông tin khác bạn sẽ cung cấp sau bằng các chiến dịch email marketing, remarketing hoặc trong quá trình tư vấn sản phẩm, dịch vụ.

Còn một lỗi khác TADA cũng từng gặp, là website quá chú trọng vào các hiệu ứng, khiến người đọc trải nghiệm hiệu ứng nhiều hơn là tìm hiểu thông tin và chuyển đổi. Các trang đó có thời gian trên trang khá cao, nhưng tỉ lệ chuyển đổi lại không tương ứng như thế.

14. Thêm live chat hoặc nút liên hệ

Khi người đọc vẫn còn đang lăn tăn, vẫn còn thắc mắc, chưa đủ tin tưởng, họ sẽ không tạo ra chuyển đổi. Một trong những cách mà website có thể giúp họ là một phương thức liên lạc ngay lập tức trên website là Live chat hoặc Nút liên hệ.

  • Live chat: Sử dụng Facebook Messenger, Zalo OA hoặc Tawk.to.
  • Nút liên hệ: Gọi điện trực tiếp, nhắn tin qua Zalo, Telegram…

Live chat và Nút liên hệ sẽ tạo cơ hội để bạn xử lý các thắc mắc của người dùng, giữ họ trên website và tăng tỉ lệ chuyển đổi.

15. Thực hiện các chiến dịch remarketing

Remarketing là giải pháp đẩy quảng cáo lại cho những người đã từng xem website của bạn. Nhiều khả năng đây là những người có quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp nhưng vì lý do nào đó họ chưa sẵn sàng để trở thành khách hàng. Do đó, remarketing là cách rất tốt để giữ thương hiệu của bạn trong tầm mắt của người đọc, kích thích tiêu dùng và tăng khả năng chuyển đổi. Việc tiếp cận một người đọc đã biết đến thương hiệu của bạn sẽ có khả quan hơn là một người dùng hoàn toàn mới.

Một số kênh Remarketing bạn có thể tham khảo:

  • Facebook, Instagram
  • Google Display Network

Để có thể remarketing hiệu quả, thì website của bạn cần phải được cài đặt các tracking code phù hợp của các nền tảng. Bên cạnh đó, bạn cần phải thường xuyên theo dõi performance của các chiến dịch và thực hiện tối ưu hóa.

16. Tăng tốc độ website

Theo các nghiên cứu, 40% người dùng sẽ rời bỏ website nếu sau 3 giây mà trang web vẫn chưa load được. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác trên thiết bị di động cho thấy cứ mỗi giây chậm trễ thì sẽ làm giảm 7% tỉ lệ chuyển đổi. Những thông tin trên cho thấy rằng việc tối ưu tốc độ website và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi có sự liên quan với nhau.

TADA gợi ý một số cách giúp trang web có tốc độ tốt hơn:

  • Tối ưu hình ảnh, video trên trang web. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng giảm tốc độ tải của trang. Bạn có thể tham khảo Hướng dẫn Tối ưu hình ảnh trước khi đăng lên Website
  • Giảm các hiệu ứng không cần thiết trên trang. Dù rằng sử dụng các hiệu ứng sẽ gây hiệu quả tích cực về thị giác, nhưng đồng thời cũng sẽ làm tăng khối lượng công việc của trình duyệt khi tải trang.
  • Sử dụng hosting có tốc độ tốt, ping thấp.
  • Nếu website bạn sử dụng WordPress, hãy cài những plugin tối ưu tốc độ như WP Rocket, Perfmatter, Litespeed Cache…
  • Sửa các lỗi hiển thị khiến website tốn nhiều thời gian xử lý lỗi

Để kiểm tra khả năng đáp ứng của website, bạn có thể tham khảo công cụ Page Experience trong Google Search Console. Trong đó, chỉ số Good URLs càng cao càng tốt.

Page experience giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi
Một dự án tối ưu website của TADA trong năm 2023.

17. Tối ưu hiển thị cho thiết bị di động (responsive)

Kể từ khi Google ra chỉ số đánh giá mobile-first thì việc tối ưu hiện thị cho thiết bị di động lại càng quan trọng hơn. Nó không chỉ là một vấn đề về mặt kỹ thuật, mà còn vấn đề ở phía người dùng website. Các thống kê hiện tại đều cho thấy là khoảng 60-80% người truy cập website từ thiết bị di động. Một website hiển thị tệ trên thiết bị di động chắc chắn sẽ không thể có một tỉ lệ chuyển đổi tốt.

Bạn có thể tự kiểm tra chất lượng hiển thị trên di động bằng công cụ Mobile-Friendly Test của Google.

mobile friendly

18. Địa phương hóa nội dung

Lưu ý cuối cùng của TADA dành cho bạn là “địa phương hóa” nội dung, bao gồm câu chữ, văn phong, hình ảnh, địa chỉ liên lạc. Một số website tách hẳn các trang khác nhau để phục vụ các khách hàng ở địa phương khác nhau, ví dụ như Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ Google Maps để xây dựng các địa điểm kinh doanh ở các địa phương.

Tổng kết về tối ưu tỉ lệ chuyển đổi trên website

Trên đây là 18 gợi ý của TADA để bạn có thể cải tiến chất lượng webiste, và mang lại khách hàng cho doanh nghiệp. Ngoài những cách trên, bạn có thể tự mình trải nghiệm các hành trình khách hàng khác trong cuộc sống để xem có thể làm tốt hơn ở điểm nào hay không. Dù sao đi nữa chúng ta vẫn là khách hàng của những dịch vụ khác. Hãy nhớ lại bạn đã mua một đôi giày hay một chiếc xe như thế nào, bạn đã tìm thông tin ở đâu, ai là người ảnh hưởng đến quyết định của bạn… và thử áp dụng cách đó vào chính website của mình.

Chúc bạn thành công.

Mục lục